Lùi xe vào chuồng dọc nếu tài xế xử lý không chuẩn xác thì không những khó lùi xe vào chuồng và còn rất dễ bị va quẹt. Dưới đây, Toyota Pháp Vân sẽ hướng dẫn các bạn cách lùi xe vào chuồng dọc và các nguyên tắc cũng như kinh nghiệm được đúc kết.
I. Hướng dẫn lùi xe vào chuồng dọc
Cách lùi xe vào chuồng dọc B1, B2 là giống nhau. Trước khi lùi xe vào chuồng thì người lái cần phải bật đèn cảnh báo và quan sát xung quanh xem có vật cản nào không. Lưu ý, chỉ lùi xe khi không có vật cản để đảm bảo an toàn.
Để lùi xe vào chuồng dọc, chúng ta thực hiện theo các bước sau:
- Điều khiển xe tiến từ từ đến vị trí chuồng đỗ và cho xe chạy song song sát với mép đường (cách khoảng 20cm) bên phía vị trí chuồng đỗ. Khi người lái thây vai mình ngang với mép chuồng thì dừng lại.
- Đánh hết lái về hướng ngược với hướng lùi xe. Lúc này, người lái chú ý quan sát gương chiếu hậu khi nào thấy điểm giữa trong gương thẳng hàng với điểm giữa cửa chuồng thì trả lái và phanh để dừng xe. Khi bạn thực hiện chuẩn bước này sẽ thấy thân xe sẽ tạo với mép đường một góc lệch khoảng 45 đến 60 độ, góc trái hoặc góc phải đuôi xe cách mép đường khoảng 1,5 đến 2 m.
- Khi tiến hành lùi xe, người lái chuyển số lùi rồi đánh lái sang trái hoặc sang phải khoảng 1,5 vòng và từ từ cho xe lùi vào chuồng. Cần phải liên tục quan sát gương chiếu hậu, khi nào thấy đuôi xe chạy qua cửa chuồng khoảng 30cm thì từ từ trả thẳng lái là xe đã được lùi vào chuồng.
Các bước lùi xe vào chuồng dọc
II. Nguyên tắc khi lùi xe vào chuồng dọc
Khi thực hiện lùi xe vào chuồng dọc thì cần thực hiện các nguyên tắc:
- Hướng đánh lái ngược với hướng lùi xe: Những người học lái xe hoặc lái mới thường khá lúng túng trong trường hợp này, không biết là đánh lái sang trái hay sang phải. Điều này không hề khó chút nào, các bạn chỉ cần nhớ “hướng đánh lái ngược với hướng lùi xe”. Như vậy là không còn cần phải nhớ trái hay phải. Khi bạn muốn lùi xe về bên nào thì chỉ cần đánh lái hướng ngược lại.
- Đánh lái đúng thời điểm: Thời điểm đánh lái là rất quan trọng. Việc đánh lái quá sớm hay quá muộn sẽ khiến xe bị lệch, khó lùi vào chuồng hơn. Điều chỉnh tốc độ và căn thời điểm đánh lái cũng dựa vào kinh nghiệm. Sau nhiều lần thực hiện thì tài xế sẽ có thể rút ra được.
Đánh lái đúng thời điểm khi thực hiện lùi xe vào chuồng dọc
- “Lùi bám bụng”: Đây là nguyên tắc lùi mà bạn cần phải nhớ kỹ. Phần “bụng” ở đây là mặt xe bên trong. Theo đó, khi lùi xe thì lùi bên nào sẽ bám nhiều hơn vào bên đó. Ví dụ, nếu bạn đang lùi trái thì bám vào phần bụng lúc này là bên trái và ngược lại.
- Không cố lùi khi xe bị xéo: Xe bị xéo có nghĩa là lùi xe quá trơn, đuôi xe bị xa chuồng hoặc sát chuồng. Lúc này bạn không nên cố lùi xe mà hãy cho xe tiến về phía trước và đánh lái để lấy lại góc cho chuẩn, sau đó mới cho xe lùi từ từ vào chuồng.
III. Lỗi bị trừ điểm khi lùi xe vào chuồng dọc
Rất nhiều người thi bằng lái xe không hiểu sao mình bị trừ điểm khi lùi xe vào chuồng dọc. Dưới đây là một số lỗi bị trừ điểm khi thi bằng B1, B2 phần thi sát hạch thứ 7:
- Xe bị chết máy, mỗi lần trừ 5 điểm.
- Tốc độ động cơ quá 4000 vòng/phút sẽ bị trừ 5 điểm.
- Xe lùi vào vạch giới hạn hình thi sát hạch, mỗi lần trừ 5 điểm.
- Bánh xe đè lên đường giới hạn ống khí, cứ 5 giây trừ 5 điểm.
- Thời gian thực hiện lùi xe vào chuồng dọc lâu hơn so với quy định, cứ mỗi 2 phút trừ 5 điểm.
- Chạy quá tốc độ quy định, cứ 3 giây trừ 1 điểm.
- Không có tín hiệu báo kết thúc hoặc đỗ xe không đúng quy định trừ 5 điểm
Như vậy là chỉ thi bài sát hạch thứ 7 thôi là chúng ta có thể sẽ gặp rất nhiều lỗi bị trừ điểm. Do đó, cần thực hiện đúng các bước và thực hành nhiều lần là các bạn có thể lùi thành thạo nhé.
IV. Kinh nghiệm lùi xe vào chuồng dọc an toàn
Theo các tài xế giàu kinh nghiệm, người lái xe lâu năm thì khi lùi xe vào chuồng dọc các bạn cần:
Điều chỉnh gương chiếu hậu để đảm bảo an toàn
- Điều chỉnh gương chiếu hậu: Khi lùi xe vào chuồng thì gương chiếu hậu đóng vai trò rất quan trọng. Nó được ví như “con mắt” của người tài xế. Để lùi xe an toàn, các bạn cần kiểm tra và điều chỉnh gương chiếu hậu sao cho có tầm quan sát tốt. Chú ý điều chỉnh gương chiếu hậu sao cho người cầm lái phải nhìn thấy được lốp xe phía sau. Khi lùi xe nên áp dụng kiểu chỉnh gương góc hẹp.
- Chú ý quan sát cả phía trước và phía sau: Nhiều tài xế, nhất là lái mới thường có thói quen chỉ quan sát phía sau mà không để ý phía trước xe. nếu có thói quen này thì cần điều chỉnh ngay với như vậy sẽ rất nguy hiểm. Khi chúng ta đánh lái, mũi xe thường hướng ra ngoài, nếu không chú ý phía trước mà gặp phải vật cản (xe cộ, người đi bộ…) sẽ gây tai nạn.
- Những lái xe mới chưa quen với việc lùi xe vào chuồng thì nên xuống xe để quan sát. Xuống xe sẽ giúp bạn nhìn vị trí thực tế xem có khác so với khi mình nhìn qua gương chiếu hậu không. Từ đó, ái xe có thể căn chỉnh chính xác hơn.
- Lùi xe vào chuồng từ từ: Thực tế, số lùi là số rất khỏe, còn hoạt động nhanh hơn số 1. Vì vậy, nếu chúng ta lùi với tốc độ nhanh sẽ căn chính không chính xác cũng như khó có thể kịp thời xử lý nếu gặp vật cản.
Có thể thấy, kỹ thuật lùi xe vào chuồng dọc cũng không quá khó phải không các bạn. Khi thực hiện chúng ta chỉ cần làm đúng theo các bước và thực hiện các nguyên tắc là có thể làm được.
Hiện nay, các hãng xe ứng dụng công nghệ hiện đại giúp tài xế lùi xe dễ dàng hơn như camera ô tô (camera lùi, camera 360 độ) hay cảm biến lùi. Với những dòng xe chưa được trang bị tính năng này thì chủ xe hoàn toàn có thể lắp thêm để giúp lùi xe vào chuồng dọc nhanh chóng và an toàn hơn.